“Mua sắm kết hợp giải trí” – 5 chiến lược chiếm cảm tình của người tiêu dùng theo TikTok

“Mua sắm kết hợp giải trí” – 5 chiến lược chiếm cảm tình của người tiêu dùng theo TikTok

“Mua sắm kết hợp giải trí” – 5 chiến lược chiếm cảm tình của người tiêu dùng theo TikTok 1200 627 Trà My

Liệu “mua sắm kết hợp giải trí” có trở thành con át chủ bài trong tương lai?

Với sự phổ biến của các nền tảng xã hội mới như TikTok, BeReal và Xiaohongshu, cũng như sự đa dạng của các kênh thương mại điện tử, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Gen Z đang dần thay đổi. Mới đây, TikTok đã hợp tác với Boston Consulting Group (BCG) để đưa ra một báo cáo về các cơ hội kinh doanh mới ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).

Báo cáo này đã chỉ ra rằng “mua sắm online kết hợp với giải trí” được thúc đẩy bởi nhu cầu cảm tính của người tiêu dùng sẽ trở thành một xu hướng mới trong tương lai với nhiều tiềm năng. Trong bài viết này, TenMax đã tổng hợp lại các điểm chính của báo cáo trên để các nhà tiếp thị hiểu thêm về xu hướng này cùng 4 ngành kinh doanh chính và 5 chiến lược tiếp thị tương ứng.

Mua sắm kết hợp giải trí: Tiệm cận nhu cầu cảm tính của người dùng, hướng đến nội dung và trải nghiệm tiếp thị sâu

Thuật ngữ “mua sắm kết hợp giải trí” – Shoppertainment là sự kết hợp của “Mua sắm” – Shopping và “Giải trí” – Entertainment, với ý nghĩa thúc đẩy kinh doanh bằng việc lấy nội dung giải trí làm cốt lõi.

Nội dung giải trí đa phương tiện thường tạo ra trải nghiệm tiếp thị sâu hơn và có tính tương tác cao. Ví dụ như xem các video ngắn vui nhộn và thoải mái trên TikTok, các chương trình phát sóng trực tiếp sôi động trên Facebook và tìm hiểu các sản phẩm hoặc thương hiệu mới… đều là một phần của hoạt động kinh doanh giải trí.

Tiềm năng của kinh doanh giải trí nằm ở vai trò đáp ứng nhu cầu về mặt cảm xúc của người tiêu dùng trong quá trình mua sắm. Nói đến đây, trước tiên bạn phải hiểu được 2 động cơ chung và 6 phương thức mua sắm của người tiêu dùng:

1. Nhu cầu chức năng – Functional Demand: Tập trung vào sự tiện lợi, chất lượng và tính xác thực

60% giao dịch mua sắm trực tuyến phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng chức năng. Loại hành vi mua sắm này còn được gọi là mua sắm có kế hoạch hoặc mua sắm hợp lý. Người tiêu dùng thường đã có sẵn các lựa chọn mua sắm lý tưởng trong đầu và ít linh hoạt hơn trong việc khám phá các thương hiệu xa lạ với họ. Họ cân nhắc chủ yếu dựa vào tiêu chí sau đây:

  • Thuận tiện: Tiêu chí “dễ dàng” nhất trong tâm lý người tiêu dùng, dựa trên khả năng tiếp cận và mức độ quen thuộc của địa điểm mua hàng. Ví dụ như đi đến siêu thị gần nhất để mua đồ gia dụng và nguyên liệu nấu bữa tối.
  • Nâng cấp: Người tiêu dùng có các lựa chọn “tốt hơn” trong tâm trí và sẵn sàng đi đến các cửa hàng xa hơn hoặc mua các sản phẩm chất lượng cao hơn với giá “nhỉnh” hơn một chút. Ví dụ như nếu muốn nấu lẩu cho bữa tối, bạn chọn mua thịt bò còn tươi ở chợ truyền thống thay vì mua thịt thái lát đông lạnh ở siêu thị gần nhà.
  • Tính xác thực: Là lựa chọn được “bảo đảm” trong tâm trí người tiêu dùng. Thông qua việc dùng thử tại chỗ và xem qua thông tin đánh giá, họ có thể lựa chọn các loại sản phẩm khác nhau. Chẳng hạn như mua điện thoại mới thì đến cửa hàng thực để trải nghiệm, hay mua đồ gia dụng thì chọn sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

2. Nhu cầu cảm xúc – Emotional Demand: Nhấn mạnh vào sự truyền miệng, niềm vui thích và sự mới lạ

40% giao dịch mua sắm trực tuyến còn lại phục vụ cho nhu cầu cảm tính, thường được gọi là mua sắm “bốc đồng” (hay còn gọi là sóng não yếu, bị lôi kéo). Người mua trông đợi vào những sự đổi mới khi mua sắm, thường hướng đến những trải nghiệm gây phấn khích và kỳ vọng. Đồng thời, họ cũng khám phá và mua hàng ở các thương hiệu mới trong quá trình này.

Loại hình mua sắm này là mục tiêu mà kinh doanh giải trí có thể thể hiện được thế mạnh của mình và cũng là trọng tâm bán hàng mà các nhà tiếp thị thế hệ mới nên nắm bắt. Mua sắm theo cảm xúc chủ yếu dựa trên 3 loại cảm xúc sau:

  • Được giới thiệu: Người tiêu dùng thường muốn “nhận được lời khuyên” và dễ bị ảnh hưởng bởi những lời truyền miệng của những người nổi tiếng trên mạng, lời giới thiệu từ người thân và bạn bè, cũng như các dòng phản hồi tích cực từ cư dân mạng. Ví dụ như khi nhìn thấy người nổi tiếng trên mạng mặc quần tập yoga tôn hông, họ cũng muốn mua những sản phẩm tương tự.
  • Nuông chiều: Người tiêu dùng thích được “nuông chiều”, tự thưởng cho mình thông qua việc mua sắm và bắt kịp các xu hướng mới nhất. Ví dụ như vào dịp cuối thu – đầu đông, khi thấy thương hiệu mỹ phẩm yêu thích của mình tung ra màu son mới, bạn cũng có thể đặt hàng ngay để tự thưởng cho mình sau một năm làm việc vất vả.
  • Cảm hứng: Người tiêu dùng trông đợi vào “sự mới mẻ”, vào những trải nghiệm mới thông qua các nhãn hiệu hoặc sản phẩm mới. Ví dụ, các thương hiệu thời trang tung ra một loạt các màu sắc tương phản để thử nghiệm phong cách mới, thổi một làn gió mới vào cuộc sống thường ngày.

Đối với kinh doanh giải trí, khi phát triển nội dung giải trí đa phương tiện, marketers phải cân nhắc 3 nhu cầu tiêu dùng theo cảm xúc được đề cập trên đây và tìm ra cách khơi dậy mong muốn mua sắm của người tiêu dùng thông qua những nội dung thú vị.

4 ngành hàng giàu tiềm năng trong kinh doanh giải trí

“Liệu ngành hàng của tôi có phù hợp để phát triển nội dung giải trí không? Nếu muốn bắt đầu thì tôi phải làm gì?”. Hãy tham khảo 4 ngành hàng dưới đây để tận dụng lợi thế kinh doanh giải trí và tạo ra hiệu quả cho thương hiệu của mình.

1. Quần áo và phụ kiện thời trang

Sản phẩm thời trang bắt mắt, dễ thay đổi, rất phù hợp để phát triển các nội dung giải trí thú vị, hiện chiếm khoảng 18% thị phần kinh doanh giải trí.

Các thương hiệu có thể quay video thử quần áo, thực hiện thử thách thay trang phục hoặc thể hiện kiểu dáng và chi tiết sản phẩm. Tất cả những điều này đều có thể khơi dậy niềm hứng thú mua sắm của người tiêu dùng và họ có thể “chốt đơn” ngay lập tức.

2. Chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ

Hướng dẫn làm đẹp luôn là một chủ đề phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội lớn, chiếm khoảng 14% thị phần kinh doanh giải trí. Các thương hiệu có thể giới thiệu sản phẩm thông qua hướng dẫn trang điểm, unbox sản phẩm và đánh giá, swatch sản phẩm, biến hình Before & After…

Bên cạnh đó, các sản phẩm chăm sóc cá nhân có thể thu hút người tiêu dùng bằng cách giải thích kiến thức về chăm sóc bản thân, giáo dục sức khỏe. Các thương hiệu thậm chí có thể mời các chuyên gia trong lĩnh vực này và người nổi tiếng chia sẻ kinh nghiệm của họ, làm khơi dậy sự quan tâm và tăng độ tin tưởng của người tiêu dùng.

3. Thiết bị điện tử

Đối với thiết bị điện tử và gia dụng, việc đánh giá sản phẩm trước khi mua là vô cùng cần thiết. Với khoảng 10% thị phần kinh doanh giải trí, các thương hiệu nên tập trung phát triển các chủ đề đánh giá thú vị, cung cấp thông tin toàn diện về sản phẩm.

Thêm vào đó, ứng dụng thực tế của sản phẩm cũng nên được thể hiện qua các nội dung giải trí để người tiêu dùng dễ dàng hình dung được việc sử dụng cũng như tính năng của sản phẩm này trong sinh hoạt của họ.

4. Đồ ăn thức uống

Hình thức trình bày của sản phẩm mảng này luôn luôn bắt mắt và phù hợp với nội dung sáng tạo, hiện chiếm khoảng 13% trong thị trường kinh doanh giải trí. Ví dụ như những nội dung unbox, mukbang, giới thiệu quy trình sản xuất sản phẩm hoặc đóng gói vận chuyển… có thể dễ dàng thu hút sự chú ý, kích thích sự thèm ăn và thôi thúc người mua đặt hàng.

Ngoài 4 ngành trên chiếm 55% thị trường mua sắm kết hợp giải trí, các ngành như nội thất, sản phẩm dành cho bà bầu và trẻ em, đồ thể thao, du lịch và tài chính cũng đang dần áp dụng các chiến lược tiếp thị phát triển kinh doanh theo phong cách giải trí.

Vậy bạn có tò mò về những điểm mấu chốt mà các thương hiệu cần nắm bắt khi phát triển nội dung giải trí? Hãy thử tìm hiểu 5 chiến lược do TikTok và BCG cung cấp ở phần tiếp theo.

5 chiến lược tiếp thị chính để bạn làm chủ kinh doanh giải trí

Có phải làm kinh doanh giải trí thì phải hài hước và biết làm hiệu ứng tạp kỹ? Không hẳn là vậy, bởi cốt lõi của kinh doanh giải trí là quan tâm đến nhu cầu cảm xúc của người tiêu dùng và cung cấp nội dung đa dạng, sinh động. Vậy phải làm thế nào mới là kinh doanh giải trí? Hãy xem 5 điểm dưới đây:

1. Kết hợp câu chuyện và giáo dục

81% người tiêu dùng mong muốn có được thông tin thú vị hoặc hữu ích trong quá trình mua sắm. Ở cấp độ câu chuyện, đó là các chủ đề như hành trình khởi nghiệp của thương hiệu, những khó khăn trong quá trình phát triển sản phẩm, chiến lược và ý tưởng tiếp thị hay những hiểu biết sâu sắc về công đoạn sản xuất bao bì và khám phá những huyền thoại trong ngành. Những nội dung này đều có thể nâng cao mức độ được yêu thích của thương hiệu.

Còn về cấp độ giáo dục, kiến thức có thể được cung cấp theo nhu cầu của người tiêu dùng, chẳng hạn như hướng dẫn các bước chăm sóc da hoặc trang điểm, thực phẩm chức năng hoạt động như thế nào hay mẹo kéo dài tuổi thọ của đồ gia dụng… Với những nội dung hữu ích này, các thương hiệu hoàn toàn có thể củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng.

2. Ưu tiên làm video

76% người tiêu dùng thích nhận thông tin mua sắm qua dạng âm thanh và video. Cụ thể, trong thời hiện đại, sự tập trung của con người bị giảm sút và họ cần những nội dung với định dạng bắt mắt, thu hút. Video ngắn sẽ là một công cụ hữu ích, ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề, nhanh chóng thu hút sự chú ý của người mua và khơi dậy hứng thú mua sắm của họ.

Các thương hiệu cũng nên hợp tác với những người nổi tiếng trên mạng để phát triển nội dung video ngắn, đồng thời truyền bá nội dung đó qua Instagram, YouTube, TikTok và các nền tảng khác để tối đa hóa lợi ích tiếp thị.

3. Tránh cưỡng ép mua hàng

Theo khảo sát, 71% người tiêu dùng không thích những nội dung khuyến mãi thô và mang tính ép buộc. Kinh doanh giải trí nên tập trung vào nhu cầu của người tiêu dùng, khơi dậy góc nhìn thiện cảm và cộng hưởng, kích thích các lần mua tiếp theo. Bán hàng và quảng cáo theo cách quá mạnh tay, hoặc thậm chí mang tính ép buộc, có thể gây ra tác dụng ngược.

4. Trình bày chân thực là quan trọng nhất

Để kết nối với người tiêu dùng, điều cần thiết không phải là những hình ảnh lộng lẫy và tinh tế, mà là nội dung chân thành và thực tế. Điều này làm cho thương hiệu trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng và cho phép người dùng thảo luận và đánh giá, cũng như tăng thêm sự tin tưởng và tương tác của khách hàng.

71% người tiêu dùng đồng ý rằng xây dựng hình ảnh thương hiệu chân thực, chân thành và khiêm tốn có nhiều khả năng khơi dậy hứng thú mua sắm hơn.

5. Theo kịp những xu hướng và lượng truy cập thông tin

Khi sáng tạo nội dung, đôi lúc bạn sẽ cạn kiệt cảm hứng. Các thương hiệu nên chú ý đến các sự kiện mang tính thời sự và các chủ đề phổ biến, nắm bắt các xu hướng hiện hành để kết hợp với sản phẩm của mình. Như vậy, bạn có thể nắm bắt được lượng truy cập thông tin, tận dụng được những xu hướng thảo luận đang lên, và nếu công việc tiếp thị được thực hiện hiệu quả, bạn còn có thể tạo ra lượng fan hâm mộ cho thương hiệu.

Môi trường tiếp thị đang thay đổi từng ngày. Việc liên tục theo dõi nhu cầu của người tiêu dùng cũng như thói quen mua sắm là một nhiệm vụ quan trọng đối với những nhà tiếp thị công nghệ số.

Khi quảng cáo xuất hiện ở khắp mọi nơi và lượng sản phẩm bán ra tràn lan, làm thế nào để một thương hiệu có thể trở nên nổi bật và duy trì vị trí hàng đầu? “Kinh doanh kiểu giải trí” sẽ là một trong những giải pháp cho vấn đề này.

Thời đại kinh doanh không thể thiếu nội dung giải trí này, hãy tập trung vào nhu cầu của người tiêu dùng bắt đầu bằng nhu cầu cảm xúc, quyết tâm thúc đẩy doanh số bán hàng và củng cố vị trí cho thương hiệu của bạn bằng sự hiểu biết và óc sáng tạo.

 

Leave a Reply

    Join our Newsletter

    We'll send you newsletters with news, tips & tricks. No spams here.

      Contact Us

      We'll send you newsletters with news, tips & tricks. No spams here.